Tại sao bầu trời có màu xanh mà không phải một màu nào khác? Hãy cùng theo chân lớp học em yêu khoa học tại trường Trung Tiểu học Việt Anh 5 để cùng tìm hiểu nhé.
Ai cũng biết bầu trời có màu xanh nhưng ít ai biết được lý do tại sao. Đến thời điểm hiện tại, vẫn còn hàng loạt bí ẩn về con người, vũ trụ vẫn chưa tìm được lời giải đáp thích hợp. Tuy nhiên, bằng lăng kính khoa học, con người đã lý giải được nguyên nhân khiến bầu trời có màu xanh. Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.
Về cơ bản, ánh Mặt trời chiếu sáng mặt đất là ánh sáng trắng và khi đi qua bầu khí quyển sẽ có nhiều màu khác nhau tùy theo thời tiết, độ ẩm, không khí. Tuy nhiên, màu sắc mà ta thường thấy nhất trên bầu trời là màu xanh vì chỉ có chùm sáng xanh lam có bước sóng dài nhất đi vào khí quyển, bị tán xạ mạnh bởi lớp không khí và chịu phản xạ bởi hơi nước, bụi bặm làm cho bầu trời có màu xanh lam.
Khi chiều tà, lượng không khí dày hơn làm tán xạ được cả ánh đỏ và cam nên bầu trời thường đỏ ối vào hoàng hôn.
Cụ thể, khi Mặt trời bắt đầu lặn, ánh sáng cần phải đi một đoạn đường dài hơn qua không khí trước khi đến vị trí mà bạn nhìn thấy. Lúc này, sẽ có càng nhiều ánh sáng bị phản xạ và tán xạ hơn. Càng có ít ánh sáng trực tiếp từ mặt trời tiếp cận tới vị trí của bạn, thì bạn sẽ nhìn thấy mặt trời càng ít phát sáng hơn. Cũng trong thời điểm này, màu sắc của Mặt trời bắt đầu có sự thay đổi, từ màu vàng lúc ban ngày bắt đầu chuyển dần sang cam và sau đó đến đỏ.
Có thể khẳng định, các hiện tượng tưởng chừng như hiển nhiên lại ẩn chứa bên trong nó nhiều bí ẩn. Ngày nay, con người vẫn đang ngày đêm nghiên cứu để cố gắng lý giải thêm thật nhiều hiện tượng xung quanh mà trước đây chưa có lời giải đáp.