Sau khi bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) bùng phát và lây lan ở Hà Nội thì những ngày qua, tại TP HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam cũng bắt đầu xuất hiện nhiều trường hợp mắc căn bệnh này, có nguy cơ lây lan thành dịch.
Tăng ở người lớn và trẻ em
Có nhiều trẻ em mắc bệnh ban đầu xuất hiện các triệu chứng như đổ nghèn, đỏ mắt, chảy nước mắt và dụi mắt liên tục. Dù phụ huynh thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho con nhưng tình trạng không thuyên giảm, có dấu hiệu ngày càng nặng hơn. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bé bị viêm kết mạc.
Không chỉ trẻ em, nhiều người lớn cũng bị đau mắt đỏ trong thời gian gần đây. Theo Bác sĩ Nguyễn Thành Luân, Khoa Mắt, BV Đại học Y Dược TP HCM cho biết, số ca bệnh đau mắt đỏ đến khám tại BV có dấu hiệu gia tăng; trung bình mỗi buổi bác sĩ thăm khám cho 15 – 20 ca bệnh, trong khi trước đó chỉ vài ca.
Dễ lây lan thành dịch
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Luân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ, trong đó virus là nguyên nhân phổ biến nhất. Các trường hợp đau mắt đỏ do virus thường có các triệu chứng: chảy nước mắt, đổ nghèn trong, sưng phù mi, cộm,…Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan qua nhiều đường: do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi,… hoặc lây qua tay của người đã mắc bệnh.
Còn theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Bạch Tuyết, BV Nhi đồng 2, ở trẻ nhỏ, đau mắt đỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt nhẹ…Ban đầu, triệu chứng bệnh thường xuất hiện ở một mắt, sau đó lan sang hai mắt với các biểu hiện như: xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều gỉ, khó mở mắt khi ngủ dậy.
Để phòng tránh bệnh và lây bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, hàng ngày người dân nên nhỏ nước muối sinh lý (Natri Clorid 0.9%) để rửa mắt sau khi đi ra ngoài đường hoặc đi bơi về; hạn chế dụi tay vào mắt, mũi miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Tại trường học, cơ quan, gia đình,… cần tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người bệnh, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là hai bàn tay; cách ly người bệnh, dùng riêng các dụng cụ như khăn, chậu rửa, kính mắt, vỏ gối…
Nguồn tin: Nguồn Y TẾ-SK (SGGP)